Cần thiết sửa đổi Luật Công chứng năm 2014

Qua 10 năm ban hành và áp dụng, Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành nghề công chứng (HNCC) mong muốn Luật Công chứng sửa đổi lần này sẽ có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn nhằm giúp cho hoạt động công chứng ngày càng hiệu quả hơn.

Những bất cập, hạn chế từ thực tiễn

Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, Luật Công chứng năm 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Qua gần 10 năm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về vai trò, vị trí pháp lý của hoạt động công chứng trong đời sống xã hội ngày càng nâng lên.

Luật Công chứng năm 2014 đã chi tiết, cụ thể hóa các quy định về xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và quản lý các tổ chức HNCC nói chung và hoạt động của các văn phòng công chứng (VPCC) nói riêng, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, các tổ chức HNCC chủ yếu tập trung ở các khu vực đông dân cư, khu vực tập trung các tổ chức kinh tế và các ngành nghề liên quan đến tài chính – ngân hàng, bất động sản và những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.

Thực trạng nói trên đã dẫn đến sự phân bổ không hợp lý, làm mất cân đối, phá vỡ sự ổn định trong việc phát triển mạng lưới tổ chức HNCC, việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp tại vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn hơn. Đặc biệt, một số tổ chức HNCC có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của VPCC.

Bên cạnh đó, quy định về việc thay đổi tên gọi của VPCC trong trường hợp thay đổi tên gọi, trụ sở hoặc trưởng VPCC (theo khoản 3, Điều 22 Luật Công chứng năm 2014) là không hợp lý. Bởi tên gọi là tài sản, là thương hiệu của VPCC được nhiều người biết đến; việc thay đổi tên sẽ phần nào ảnh hưởng thương hiệu đã xây dựng của VPCC, người dân cũng khó khăn trong việc xác định VPCC mình đã từng đến công chứng.

Ngoài ra, khi công chứng viên hợp danh xóa hành nghề tại VPCC mang tên mình thì VPCC phải làm thủ tục thay đổi tên gọi. Cá biệt có trường hợp công chứng viên sau khi xóa hành nghề tại VPCC mang tên mình thì chuyển sang hành nghề ở VPCC khác với hình thức hợp danh, rồi sau đó tiếp tục thực hiện đổi tên VPCC và lấy lại tên VPCC mà trước đó đã chấm dứt hoạt động.

“Thời gian qua, Sở Tư pháp tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị thay đổi tên gọi của VPCC vì lý do nêu trên. Việc VPCC thường xuyên thay đổi tên gọi gây khó khăn trong việc theo dõi, quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động của VPCC” – bà Nguyễn Thị Kim Hương cho hay.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, việc sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 là rất cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có văn bản góp ý nhiều nội dung thiết thực và đã được Bộ Tư pháp tiếp thu, bổ sung vào Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp tiếp tục góp ý thêm một nội dung cho khoản 2, Điều 33 của dự thảo, bởi quy định có dùng cụm từ “thanh toán các khoản nợ khác” là còn chung chung, chưa rõ ràng. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của VPCC. Do đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ cụm từ “thanh toán các khoản nợ khác” hoặc bổ sung thành “thanh toán các khoản nợ khác đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” nhằm xác định rõ chủ thể được trả nợ trong một phạm vi nhất định.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Nguyễn Thị Hồng Vân kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc: “Chính phủ quy định chi tiết về những chính sách ưu đãi đối với VPCC thành lập tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn” vào Điều 17 dự thảo, do hiện nay có sự mất cân bằng trong phân bổ các tổ chức HNCC ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Việc bổ sung nội dung trên để công chứng viên mạnh dạn tham gia thành lập tổ chức HNCC ở vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp cho người dân nơi đây được hưởng những tiện ích mà dịch vụ công mang đến cho họ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân kiến nghị thêm một khoản mới vào giữa khoản 1 và khoản 2 của Điều 17 dự thảo với nội dung “Tổ chức HNCC gồm 2 loại hình là phòng công chứng và VPCC. Mỗi tổ chức HNCC (phòng công chứng, VPCC) phải có ít nhất 2 công chứng viên trở lên” nhằm bảo đảm sự bình đẳng của 2 loại hình hoạt động…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *