Thị trường BĐS sẵn sàng đón dòng tiền mới

Năm 2023, lượng kiều hối gửi về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Nếu nhìn cả chặng đường 30 năm (1993 – 2023), con số vừa cán mốc 206 tỷ USD, gần tương đương với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong cùng thời kỳ. Theo các chuyên gia, dư địa tăng trưởng còn lớn bởi giá trị mà hơn 5,5 triệu kiều bào trên thế giới làm ra hàng năm lên tới 100 tỷ USD.

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, khoảng 15 – 20% dòng tiền này chảy vào thị trường bất động sản (BĐS). Thậm chí, ở một vài địa phương, tỷ lệ này có thể lên tới 50% sau khi Luật Nhà ở năm 2014 lần đầu tiên quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều được mua nhà đất tự do tại Việt Nam”. Cánh cửa sẽ càng rộng mở hơn khi Luật Đất đai sửa đổi dự kiến đi vào cuộc sống từ ngày 1/7/2024, thay vì 1/1/2025 như kế hoạch ban đầu.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Peter Hồng chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng khi người Việt Nam ở nước ngoài và các cá nhân trong nước bây giờ đã bình đẳng với nhau trong việc sở hữu, cũng như các quyền về đầu tư và kinh doanh BĐS, không phân biệt nơi ở, nơi cư trú, nơi sinh sống. Nội hàm về các quyền liên quan tới Việt kiều cũng được mở rộng hơn so với pháp luật hiện hành”.

Ông Peter Hồng tin tưởng khi các quy định được thực hiện đồng bộ trong thực tế, dòng kiều hối có thể lập kỷ lục mới trong tương lai. Điều này sẽ mang tới sinh khí mới cho nền kinh tế, tạo “đòn bẩy” giúp thị trường BĐS tăng tốc phát triển từ cả góc độ cung và cầu.

“Việt kiều bỏ tiền ra để đầu tư và xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, tạo thêm nguồn cung mới cho giỏ hàng vốn còn đang thiếu hụt. Cùng với đó, nhu cầu trở về quê hương an cư, lạc nghiệp của họ cũng rất lớn, là một lực cầu quan trọng”, ông Peter Hồng phân tích.